
Cách làm lê hấp đường phèn thơm ngon giúp giảm ho
CÔNG TY CỔ PHẦN NEW RETAIL CPG
Thứ Ba,
15/04/2025
Nội dung bài viết
Lê hấp đường phèn là món ăn khá lâu đời và được xem như một "bài thuốc" dân gian hiệu quả. Vị ngọt thanh của lê kết hợp cùng độ ấm của đường phèn giúp làm dịu cơn ho, đồng thời bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Hãy cùng với CPG Fresh khám phá cách làm lê hấp đường phèn ngay nhé!
Cách làm lê hấp đường phèn cực đơn giản
Nhìn chung, món ăn này có cách làm cực đa dạng nhưng lại khá đơn giản. Ngoài những nguyên liệu cơ bản là lê và đường phèn, chúng ta cũng có thể biến tấu một chút tùy theo sở thích của mình. Dưới đây là 2 công thức phổ biến mà bạn có thể tham khảo:
Lê hấp đường phèn công thức 1
Nguyên liệu:
- Lê tươi: 1 quả
- Đường phèn: 15gr
- Quả quất (tắc): 4 - 5 quả
- Gừng: 1 nhánh nhỏ
Cách làm:
Bước 1: Mang lê, quất và gừng đi rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn, sau đó vớt ra và để ráo nước.
Bước 2: Cắt đầu quả lê, sau đó lấy thìa khoét phần thịt bên trong quả ra ngoài. Lưu ý phần này chúng ta sẽ không bỏ đi mà hãy thái nhỏ để riêng dùng cho công đoạn sau.
Bước 3: Chúng ta sẽ sơ chế các nguyên liệu còn lại. Đầu tiên, quất cắt đôi và bỏ hạt. Gừng gọt bỏ vỏ, sau đó cắt thành từng lát mỏng.
Bước 4: Sau khi đã sơ chế xong tất cả các nguyên liệu cần cho món lê hấp đường phèn, chúng ta sẽ đến bước kế tiếp.
Cho quất, gừng, thịt lê cắt nhỏ và đường phèn vào quả lê, đậy nắp cuống lên rồi đem đi hấp cách thuỷ trong khoảng 1 giờ. Đến khi bạn thấy đường phèn đã tan hết, lê đã chín mềm là có thể sử dụng được rồi đấy!
Lê hấp đường phèn công thức 2
Nguyên liệu:
- Lê tươi: 1 quả
- Đường phèn: 20gr
- Tuyết nhĩ: 2 nấm
- Nhựa đào: 2 viên
- Kỳ tử: 2 quả
- Táo đỏ khô: 1 quả
Cách làm:
Bước 1: Ngâm lê vào hỗn hợp nước muối loãng khoảng 5 phút, sau đó rửa lại với nước sạch.
Tuyết nhĩ ngâm mềm rồi rửa qua với nước. Đối với nhựa đào bạn cần ngâm trong khoảng 10 - 12 tiếng để chúng đủ độ nở.
Bước 2: Cắt phần đầu cuống quả lê. Kế tiếp, bạn dùng dao khoét một hình vuông trong ruột quả, sau đó lấy thìa nạo ra. Lưu ý nạo sao cho lõi tròn đều mà vẫn giữ được lớp vỏ có độ dày vừa phải khoảng xấp xỉ 0.5 - 1cm.
Bước 3: Thái nhỏ thịt quả lê, chúng ta sẽ hấp chung phần này với các nguyên liệu khác.
Bước 4: Lần lượt cho tuyết nhĩ, nhựa đào, kỳ tử, táo đỏ và đường phèn vào quả lê đã được khoét rỗng ruột. Bỏ thêm phần thịt quả lê thái nhỏ và một ít nước lọc vào cùng. Tiếp theo, hãy đậy nắp quả lại và cho vào nồi hấp cách thuỷ trong vòng 30 phút.
Mẹo hay làm lê hấp đường phèn
Để có được một món lê hấp đường phèn đúng chuẩn và thành công nhất, bạn nên bỏ túi ngay những mẹo sau nhé!
Chọn lê
Lê là nguyên liệu chính của “bài thuốc dân gian” này, chính vì vậy nên đặc biệt lưu tâm ngay từ bước chọn nguyên liệu. Tốt nhất bạn hãy mua quả lê chín vừa tới, không bị dập nát. Vỏ lê vàng đều, có một chút sần nhẹ.
Nên tránh chọn những quả quá chín vì dễ bị bở và nát trong quá trình hấp. Bên cạnh đó cũng không nên dùng quả lê còn xanh sẽ có vị chát, ảnh hưởng đến hương vị món ăn.
Sơ chế lê
Bạn nên dùng dao sắc nạo hoặc khoét một phần ruột quả để tạo chỗ đựng cho đường phèn. Ở bước này cần thực hiện nhẹ tay và không nên nạo quá mỏng vỏ để giữ nguyên được hình dáng quả lê.
Thời gian hấp lê
Có thể bạn chưa biết, thời gian chưng lê hấp đường phèn không cố định theo một công thức nào cả. Thời gian thực tế sẽ phụ thuộc vào kích thước quả lê của bạn mà giao động trong khoảng từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Lưu ý không để hấp quá lâu sẽ bị nát, mất đi dưỡng chất quý giá.
Thêm nguyên liệu
Lê hấp đường phèn với nguyên liệu như thế nào đều phụ thuộc vào người thực hiện. Nếu trong tủ lạnh của bạn đang có táo đỏ, kỳ tử, long nhãn, đậu đen, tổ yến,... hoặc bất cứ những nguyên liệu nào khác tốt cho sức khoẻ cũng có thể thêm vào hấp cùng để tăng hương vị và dưỡng chất. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể thay thế đường phèn bằng mật ong nếu muốn giảm lượng đường tiêu thụ.
Công dụng tuyệt vời của món ăn
Ho là một trong những bệnh phổ biến thường gặp do thay đổi thời tiết, cảm lạnh hoặc do các tác nhân bên ngoài gây kích ứng đường hô hấp. Bên cạnh việc sử dụng thuốc tây để điều trị, nhiều người cũng tìm đến các phương pháp dân gian an toàn và hiệu quả để hỗ trợ giảm ho, trong đó có món lê hấp đường phèn.
Lê vốn là loại thực phẩm nổi tiếng với nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Cụ thể nó có chứa các vitamin và khoáng chất như phốt pho, axit amin, canxi, vitamin C và chất chống oxy hóa. Đây là loại hoa quả có vị ngọt thanh, tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng và hỗ trợ tiêu hóa. Đặc biệt, một công dụng cực kỳ tuyệt vời và được rất nhiều người biết đến đó là hỗ trợ giảm ho khá hiệu quả.
Lê hấp đường phèn là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị ngọt nhẹ của lê và tính ấm của đường phèn, tạo nên món ăn không chỉ thơm ngon mà còn đem đến khá nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
Dưới đây là tổng hợp những công dụng chính của lê hấp đường phèn:
- Giảm ho, long đờm: Vitamin C và chất chống oxy hóa trong quả giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm họng, long đờm khi ăn.
- Làm dịu cơn đau rát họng: Đường phèn có tính kháng khuẩn, sát trùng, hỗ trợ làm dịu cơn đau rát và ngứa cổ.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất: Quả lê khá giàu vitamin, kali, chất xơ và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Thực tế, vitamin C có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Thanh nhiệt, giải độc: Lê vốn có tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể và tốt cho hệ tiêu hóa.
Với những công dụng tuyệt vời như vậy, lê hấp đường phèn là món ăn vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng, thích hợp cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em và người già. Hãy bổ sung món ăn này vào thực đơn hàng ngày để bảo vệ sức khỏe và tận hưởng hương vị thơm ngon tự nhiên nhé!
Cách dùng lê hấp đường phèn hiệu quả
Liều dùng trị ho như thế nào?
Để đạt được hiệu quả tốt nhất, người dùng cần lưu ý về liều lượng sử dụng phù hợp:
- Đối với người lớn nên ăn khoảng 1 quả lê hấp đường phèn một ngày, ăn trong 3 - 4 ngày đến khi hết ho khan và đờm.
- Đối với trẻ em từ 2 - 5 tuổi nên ăn khoảng ½ quả mỗi ngày và chia thành nhiều lần ăn.
Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo, có thể điều chỉnh tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe và mức độ ho của mỗi người. Ngoài ra, cần lưu ý sử dụng lê hấp đường phèn với một lượng vừa phải, không nên ăn quá nhiều vì có thể gây hại cho sức khỏe.
Những ai không nên dùng lê hấp đường phèn?
Lê hấp đường phèn là món ăn bổ dưỡng, tuy nhiên không phải ai cũng có thể sử dụng. Một số đối tượng sau đây không nên hoặc hạn chế ăn món lê hấp đường phèn:
- Trẻ em dưới 1 tuổi: Hệ tiêu hóa của trẻ dưới 1 tuổi còn non nớt, chưa hoàn thiện, không đủ khả năng để tiêu hóa lượng đường trong món ăn, vì vậy có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy,...
- Người bị tiểu đường: Lê hấp đường phèn chứa nhiều đường, dễ làm tăng lượng đường trong máu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bị tiểu đường.
- Người đang tiêu chảy, đau bụng do lạnh: Loại hoa quả này có tính hàn, sử dụng lê hấp đường phèn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy, đau bụng khi bị lạnh.
- Người dị ứng với lê: Một số người bị dị ứng với lê khi ăn sẽ có các triệu chứng như nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, khó thở,... Nếu bạn nghi ngờ mình bị dị ứng, hãy thử ăn một lượng nhỏ và theo dõi phản ứng của cơ thể trước đã nhé!
Tạm kết
Lê hấp đường phèn - món ăn dân dã, bình dị nhưng lại chứa đựng nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Với hương vị thanh mát, ngọt ngào cùng cách chế biến đơn giản, đây chắc chắn là một lựa chọn hoàn hảo để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu đấy!